Giới viết lách "treo bàn phím" vì ChatGPT: Phải chịu vất vả hơn, không là thất nghiệp
Nếu được sử dụng đúng cách, các chatbot AI có thể giải phóng nhân viên để có thêm thời gian tạo ra tác phẩm gốc, chất lượng cao. Thế nhưng giờ đây họ phải chăm chỉ hơn để không bị AI cướp mất việc làm.
Công việc viết lách sắp hết thời?
Một cuộc khảo sát gần đây với hơn 10.000 người tại các công ty lớn như Google, JP Morgan và McKinsey cho thấy, gần một nửa số chuyên viên văn phòng đã thử sử dụng ChatGPT để hỗ trợ công việc của họ.
Điều đó thật đáng kinh ngạc, vì chatbot AI chỉ mới được phát hành ra công chúng vào tháng 11. Mặc dù có những tiềm năng rất thú vị cho tương lai của công việc, công cụ này cũng mang đến những rủi ro nghiêm trọng.
ChatGPT và các công cụ tương tự khác là một phần lịch sử lâu đời của các công nghệ giúp giảm bớt sức lao động cho việc viết lách. Chúng bao gồm từ báo in đến điện tín, máy đánh chữ, bộ xử lý văn bản và máy tính cá nhân.
Các chatbot AI có thể giúp khắc phục những hạn chế của con người, bao gồm tốc độ, ngoại ngữ và nhân lực – có khả năng trợ giúp mọi thứ, từ viết email đến báo cáo và bài viết cho các chiến dịch tiếp thị.
Trong đó AI sử dụng các văn bản do con người tạo ra trong quá khứ để cung cấp thông tin và định hình cách viết các văn bản mới.
Các công việc liên quan đến số lượng lớn bài viết chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, chẳng hạn như nhà báo, nhà nghiên cứu học thuật và nhà phân tích chính sách.
Trong các trường hợp, chatbot AI có thể cho phép phổ biến kiến thức và ý tưởng mới nhanh hơn. Các bài viết trở nên toàn diện và dễ tiếp cận hơn.
Mặt khác, có những lo ngại rằng ChatGPT và các công cụ khác có thể cướp đi công việc của nhiều người, đặc biệt là trong các ngành nghề viết lách truyền thống, mặc dù rất khó để nói ở giai đoạn này có bao nhiêu người sẽ bị ảnh hưởng.
Mihir Shukla, Giám đốc điều hành và người sáng lập công ty phần mềm có trụ sở tại California, Automation Anywhere, cho rằng "từ 15% đến 70% công việc chúng ta làm trước máy tính giờ đây đều có thể được tự động hóa".
Mặt khác, một báo cáo gần đây của McKinsey cho thấy rằng chỉ có khoảng 9% số người sẽ phải thay đổi nghề nghiệp. Mặc dù vậy, 9% nếu tính ra trên tổng số lao động cũng là rất nhiều. Nhân viên cấp thấp đến trung bình có thể là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Viễn cảnh không xa
Vấn đề khác là người sử dụng lao động sẽ sử dụng những công nghệ này để biện minh cho việc tiết kiệm chi phí, nhưng cách tiết kiệm đó sẽ khiến người lao động phải làm việc nhiều hơn chứ không phải thông minh hơn hay hiệu quả hơn.
Ví dụ, máy tính và email đã khiến mọi người làm việc còn nhiều hơn trước, vì chúng đã giúp tối ưu hóa các quy trình làm việc thủ công.
Do đó, nhân viên giờ đây có thể bị áp lực phải làm nhiều việc hơn. Điều này có nguy cơ bỏ lỡ bước nhảy vọt thực sự về năng suất mà AI có thể mang lại.
Nếu được sử dụng đúng cách, các chatbot AI có thể giải phóng nhân viên để có thêm thời gian tạo ra tác phẩm gốc, chất lượng cao. Thế nhưng giờ đây họ phải chăm chỉ hơn để không bị AI cướp mất việc làm.
Cuối cùng, các chatbot AI đưa ra các vấn đề về sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, không rõ ai sở hữu tác phẩm mà chúng sản xuất.
Điều này có thể khiến các công ty hoặc dịch giả tự do gặp khó khăn hơn trong việc bảo vệ sản phẩm đầu ra của chính họ, đồng thời có khả năng khiến họ phải đối mặt với các khiếu nại vi phạm bản quyền từ người sở hữu bài viết vốn đã bị AI sao chép.
Đó là một lĩnh vực phức tạp và vẫn còn rất nhiều điều cần được xem xét.
Một cách để đối phó với sự nguy hiểm của AI là thông qua quy định. Chúng ta phải bắt đầu phát triển các tiêu chuẩn cơ bản để hạn chế khả năng bóc lột người lao động.
Ví dụ, điều này có thể bao gồm giới hạn về số lượng công việc viết được hỗ trợ bởi AI mà các công ty hướng tới.
Cũng cần phải nhận ra rằng những mối nguy hiểm đang trở nên trầm trọng hơn khi các công ty tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận và năng suất.
Tin tốt là cho đến hiện tại, công nghệ nói trên vẫn chưa thực sự thách thức công việc của những người viết lách. Tờ Conversation đã thử sử dụng ChatGPT để viết bài này và không thấy có nội dung nào đặc sắc.
Tuy nhiên, một hoặc hai năm kể từ bây giờ, mọi thứ có thể thay đổi rất khác.
(Nguồn: GenK)