Tận dụng trợ lý ChatGPT-4
=========================
Thứ Năm, 25/05/2023
(KTSG) – Mới đây, ChatGPT-4 đã cho người dùng sử dụng phiên bản beta của tính năng truy cập các trang web (browsing) và các công cụ tích hợp (plugins). Như vậy, những hạn chế của ChatGPT của phiên bản trước như không thể đọc địa chỉ web (links), đọc các tập tin tài liệu (pdf) đã được tháo gỡ.
Sự kết hợp giữa sức mạnh của ChatGPT-4 và sức mạnh của các nền tảng cung cấp dịch vụ khác đã đưa ChatGPT-4 lên một tầm cao mới. Thế nhưng, cùng với những sức mạnh mà nó đem lại thì sự nguy hiểm cũng khôn lường. Việc sử dụng ChatGPT-4 vì vậy cần có những kiến thức và kỹ năng nhất định.
Một trợ lý đa năng, làm việc 24/24
Những ai đã sử dụng ChatGPT-4 có lẽ đều rất hài lòng với khả năng tổng hợp và tóm tắt các nội dung văn bản, khả năng trả lời các câu hỏi hay yêu cầu đã có sẵn nội dung trong cơ sở dữ liệu của OpenAI.
Bạn có thể yêu cầu ChatGPT-4 soạn thảo một e-mail gửi cho một đối tượng cụ thể nào đó với giọng văn phù hợp, soạn đề cương của một môn học, viết một đoạn code, hay hỏi bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến kiến thức tổng quát.
ChatGPT-4 cũng có thể giúp bạn chọn một giờ họp tối ưu nhất cho các thành viên ở các múi giờ khác nhau, hay sẽ làm món gì với những thứ còn sót lại trong tủ lạnh.
Nhưng hạn chế của ChatGPT-4 là dữ liệu được cập nhật chỉ đến tháng 9-2021, và do đó những dữ liệu sau thời gian này và đặc biệt là dữ liệu theo thời gian thực (realtime) không được mô hình sử dụng.
Bên cạnh đó, người dùng cũng không thể đưa vào mô hình các dữ liệu của riêng mình, như các file tài liệu, các links.
Có nhu cầu sẽ có giải pháp. Mới đây, ChatGPT-4 đã thử nghiệm cho các nền tảng khác tạo plugins để khắc phục những nhược điểm của mình và kết hợp với sức mạnh của bên thứ ba. Số lượng plugins tăng lên từng ngày.
Ở thời điểm viết bài, đã có 130 plugins với nhiều ứng dụng như đọc links (Link Reader/Access Link), đọc file pdf (AskYourPdf), dữ liệu chứng khoán (AITickerChat), du lịch (Kayak), nhà hàng (Local), bất động sản (Zillow), tự động hóa các ứng dụng (Zapier), học và làm toán (Wolfram), tổng hợp tin tức (World News)…
Với việc cho phép ChatGPT-4 truy cập thời gian thực các địa chỉ web, các dữ liệu từ bên ngoài khác thì có thể thấy đây là một trợ lý đa năng siêu đẳng và sẵn sàng làm việc mọi lúc mọi nơi.
Những nguy hiểm khôn lường
Mặc dù những bước tiến vượt bậc gần đây của ChatGPT-4 đã giúp cho không ít người giải quyết các vấn đề nhanh hơn, hiệu quả hơn nhưng đi kèm với đó là những rủi ro khôn lường.
Vấn đề đầu tiên là bảo mật và dữ liệu riêng tư. ChatGPT-4 dựa trên mô hình máy học nên các câu hỏi hay yêu cầu của người dùng sẽ được ghi lại. Đây là lý do nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, cấm nhân viên của mình dùng ChatPGPT-4 vì sợ để lộ bí mật.
Chẳng hạn một lập trình viên có thể yêu cầu sửa một đoạn code trong đó có bí mật của dự án, hay một nhân viên phòng phân tích kinh doanh đặt câu hỏi có kèm số liệu hay phương án kinh doanh của doanh nghiệp.
Với người dùng cá nhân cũng vậy, các câu hỏi riêng tư về thói quen, sức khỏe, sở thích… cũng được ghi lại và rất có thể các câu trả lời sẽ được đưa ra dựa trên các dữ liệu đã được thu thập và phán đoán. Điều gì đảm bảo những dữ liệu này không được sử dụng cho những mục đích khác, hay chuyển giao cho bên thứ ba?
Vấn đề cũng nguy hiểm không kém là sự chính xác và minh bạch của ChatGPT-4. Vì là mô hình LLM (large-language model) dựa trên rất nhiều nguồn dữ liệu khác nhau nên độ chính xác không thể kiểm chứng hoàn toàn.
Nhiều câu trả lời của ChatGPT-4 vì vậy có hiện tượng gọi là “hallucinations”, tức nghe qua thì thuyết phục và có vẻ đúng nhưng thực ra là sai hoặc hiểu nhầm.
Bản thân người viết đã có những trải nghiệm khi ChatGPT-4 đưa ra các nguồn tham khảo và kiểm tra lại thì không có, hoặc có nhưng từ một nguồn không uy tín. Hoặc có trường hợp giải các bài tập kế toán-tài chính bị sai công thức.
Với việc có quá nhiều tham số và thuật toán thì kết quả trả lời của ChatGPT-4 cũng là một hộp đen với người sử dụng. Vì cùng một câu hỏi hay yêu cầu nhưng người sử dụng có thể có được nhiều câu trả lời khác nhau, rồi sau đó ChatGPT-4 hỏi ý kiến đánh giá của người sử dụng.
Để sử dụng ChatGPT-4 hiệu quả, an toàn
ChatGPT-4 và những công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) tương tự là một bước tiến lớn của xã hội đương đại. Bên cạnh những lợi ích mang lại thì các mối nguy hiểm cũng không kém, như nội dung trả lời không chính xác, sai lệch có chủ ý, hoặc deepfake cho những mục đích xấu.
Đã có nhiều lời kêu gọi về một sự kiểm soát đối với việc phát triển các công cụ này, nhất là về phạm trù đạo đức (ethics) cũng như ngăn chặn các hành vi phạm pháp. Điều này là hợp lý khi các các nền tảng khác nhau với dữ liệu đồ sộ của mình có thể kết hợp với các công cụ AI, rồi các công cụ AI này lại kết nối với nhau theo thời gian thực thì sức mạnh sẽ trở nên khôn lường.
ChatGPT-4 hiện nay như một thư viện khổng lồ, một trợ lý đa năng và đắc lực. Nhưng để khai thác hiệu quả thì cần đưa ra các yêu cầu hay câu hỏi cụ thể, chính xác. Ví dụ như bạn vào một thư viện rồi nói với người thủ thư “tôi cần một cuốn sách tâm lý”, thì người thủ thư sẽ đưa cho bạn bất kỳ cuốn sách tâm lý nào trong hàng ngàn cuốn.
Còn nếu bạn yêu cầu cụ thể hơn như “sách tâm lý của tác giả ABC, viết vào năm DEF, dành cho lứa tuổi XYZ” thì người thủ thư sẽ đưa cho bạn cuốn sách phù hợp nhất. Cho nên chất lượng của các yêu cầu (prompts) trong ChatGPT-4 là yếu tố quyết định chất lượng của câu trả lời.
Vì ChatGPT-4 có hiện tượng “hallucinations” nên cần phải kiểm tra lại các nguồn dữ liệu chính thống và uy tín khác, không vội tin và sử dụng ngay kết quả. Điều này vì vậy đòi hỏi người sử dụng cũng phải có một kiến thức nhất định trong lĩnh vực, nếu không thì phải kiểm tra đối chiếu.
Một công nghệ mới lúc nào cũng có tính hai mặt. Đối với người sử dụng và xã hội nói chung, cần nhận biết được những mặt trái của nó và hạn chế, trong khi đó hoàn thiện và phát triển những mặt tích cực của nó. Sử dụng ChatGPT-4 và các công cụ tương tự, cần quan tâm nhiều hơn đến việc trang bị những kiến thức và kỹ năng, từ trường học, công sở đến các doanh nghiệp và tổ chức.